Nhắc đến nhà ở xã hội, ắt hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến những căn nhà chất lượng thấp dành cho những người vô gia cư hoặc những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và mục đích xây dựng lên chỉ để cung cấp chỗ che nắng che mưa. Tuy nhiên, suy nghĩ này đã trở nên không đúng kể từ năm 2013.
Nhà ở xã hội là gì?
Nhà ở xã hội là một trong những loại hình nhà ở thuộc sở hữu của nhà nước hoặc những dự án nhà ở được quản lý bởi các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận. Ở nước ta, nhà ở xã hội được định nghĩa rõ hơn là nhà ở do Nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng lên nhằm mục đích mang đến cơ hội sở hữu nhà ở cho các đối tượng ưu tiên trong xã hội được quy định tại Luật Nhà ở.
Theo đó, các đối tượng này sẽ được mua hoặc thuê nhà ở xã hội với mức ưu tiên so với giá sàn trên thị trường.
Có phải bạn đang có suy nghĩ nhà ở xã hội thường đi kèm với chất lượng thấp?
Tuyệt đối không phải vậy. Những năm gần đây, trên khắp cả nước mọc lên những dự án nhà ở xã hội khang trang, thiết kế đẹp, phù hợp với định hướng đô thị hóa của toàn quốc, đáng kể hơn là các chủ đầu tư, các tổ chức chú trọng những tiện ích đầy đủ ngay bên trong dự án nhằm đáp ứng tối đa những nhu cầu cơ bản của cư dân sống tại những dự án này.
Nhà ở xã hội có những loại hình nào
Theo điều 53 tại Luật nhà ở 2014 đã quy định rõ: có tất cả 3 loại hình nhà ở xã hội, bao gồm loại hình Nhà nước, loại hình Doanh nghiệp và cuối cùng là loại hình Hộ gia đình đầu tư.
Loại hình nhà nước: nhà ở xã hội ở loại hình này được đầu tư và xây dựng hoàn toàn bằng vốn nhà nước ( từ công trái quốc gia, trái phiếu, vốn dành cho hỗ trợ phát triển, vốn vay ưu đãi ,vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ).
Loại hình doanh nghiệp: loại hình nhà ở xã hội này được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của các hợp tác xã nhằm mục đích để cho thuê, cho thuê mua, để bán hoặc mua hoặc có thể để cho thuê nhà ở dành cho đối tượng là người lao động trong đơn vị doạn nghiệp mình thuê nhưng lại có sự ưu đãi của Nhà nước theo quy định tại Điều 58 và Điều 59 của Luật nhà ở.
Loại hình hộ gia đình: đối với nhà ở xã hội loại này, vốn hoàn toàn từ cá nhân bỏ vào để đầu tư xây dựng trên diện tích đất ở cá nhân hợp pháp của mình nhằm mục đích cho thuê, cho thuê mua hoặc để bán nhưng có sự ưu đãi từ phía Nhà nước theo quy định tại Điều 58 của Luật nhà ở.
Chất lượng nhà ở xã hội hiện nay
Sau nhiều năm phát triển, khắc phục được những điểm hạn chế, 2 3 năm gần đây, nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai trên một tầm cao mới, nhà ở xã hội nay không còn được gắn với cái mác nhà ở “ thu nhập thấp” nữa mà là những tòa chung cư cao tầng, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng, an toàn.
Đặc biệt là được xây dựng ở những vị trí trung tâm xung quanh có nhiều tiện ích, nhiều dự án còn được chủ đầu tư xây dựng thêm hồ bơi, trung tâm thương mại ngay trong dự án góp phần tăng thêm chất lượng cuộc sống cho cư dân.
Rủi ro cao khi mua nhà ở xã hội qua tay
Một điều bất cập của nhà ở xã hội mà đến nay các chủ đầu tư vẫn chưa tìm ra cách xử lý, đó là vấn để chuyển nhượng nhà ở xã hội. Theo quy định của luật nhà ở, chỉ được phép bán căn hộ sau 5 năm kể từ ngày thanh toán hết số tiền của căn hộ.
Ví dụ anh A đăng kí mua căn hộ từ 2015 nhưng không thanh toán 1 lần mà lại vay ngân hàng, đến năm 2017 anh mới trả hết tiền mua căn hộ thì sau 5 năm tính từ 2017, tức là đến năm 2022, anh A mới được sang tên căn hộ và được quyền bán, chuyển nhượng căn hộ nhà ở xã hội và chỉ được chuyển nhượng cho những người thuộc đối tượng được phép mua căn hộ nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều người lại lách luật để bán lại kiếm lời nhà ở xã hội khi chưa đủ 5 năm, và đặc biệt là không bán cho đúng đối tượng được mua nhà ở xã hội với lý do là “ không có nhu cầu ở”. Vậy, người mua sẽ gặp những rắc rối như thế nào?
Chắc chắn người mua những căn hộ được chuyển nhượng lại sẽ phải mua nhà với giá cao hơn nhiều so với giá chủ đầu tư đưa ra. Bởi mục đích bán lại là để kiếm tiền chênh lệch.
Anh Dũng cho hay: anh làm nhân viên kế toán, sau một thời gian dành dụm anh tích cóp được 300 triệu, dự định mua căn hộ chung cư tầm 1 tỷ rồi vay thêm ngân hàng, nhưng ở Hồ Chí Minh, tìm được căn hộ giá 1 tỷ còn khó hơn mò kim đáy bể. Được bạn giới thiệu người quen cần chuyển nhượng nhà ở xã hội tại Thủ Đức với giá chỉ hơn 900tr và được hỗ trợ cho vay lãi suất thấp, anh đồng ý ngay, tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu thì anh phát hiện ra giá chủ nhà bán cho anh cao hơn giá chủ đầu tư gần 200 triệu.
Chủ nhà giở quẻ: nhiều trường hợp người mua nhà ở xã hội qua tay chỉ được kí hợp đồng ủy quyền, hợp đồng hợp tác, hợp đồng hứa mua hứa bán, tuy nhiên trên hợp đồng mua bán chính của căn nhà vẫn đứng tên chủ nhà. Tin tưởng trước những lời hứa hẹn “ sau 5 năm sẽ công chứng sang tên cho chủ mới” tuy nhiên, nhiều anh chị chủ nhà bặt vô âm tín sau khi đã giao dịch xong. Và làm sao biết được, một ngày đẹp trời, chủ nhà mang giấy tờ nhà ở đi cầm cố hoặc thế chấp hay đặt vào đâu đó để vay mượn.
Như vậy thiệt thòi vẫn rơi vào chỗ người mua. Và tất nhiên những loại hợp đồng chuyển nhượng trên chỉ có giá trị ngang bằng đống giấy vụn trước tòa án.
Bị thu hồi nhà không biết lúc nào: Nếu bạn không tìm hiểu kĩ hoặc có tìm hiểu nhưng chủ quan cứ khăng khăng quyết định mua nhà ở xã hội qua tay khi chưa đủ thời gian chuyển nhượng thì, trường hợp chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý dự án nhà ở xã hội bạn mà bạn mua lại phát hiện sai phạm thì sẽ bị thu hồi ngay lập tức căn nhà đó, với các trường hợp chống đối sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Ông Trần Đức Phượng – luật sư tại TP.HCM phát biểu: “ tiêu chí để lựa chọn người mua nhà ở xã hội được xét duyệt rất kĩ càng, phải trải qua nhiều bước thẩm định hồ sơ người đăng ký mua nhà. Việc kiểm tra sau khi khách hàng được duyệt hồ sơ mua nhà vẫn còn chưa sát sao dẫn đến tình trạng nhiều người bán sang tay suất mua NOXH để kiếm lời, trong khi đó, nhiều người có nhu cầu ở thật lại bị loại hồ sơ, tạo ra sự bất công” .